Tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, benzen từ khói thuốc lá, formaldehyde có trong gỗ ép tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
Theo Hiệp hội Huyết học Mỹ, một số chất trong môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu (ung thư máu). Nhận biết những chất này giúp mọi người phòng tránh nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe.
Benzen
Phơi nhiễm môi trường có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh bạch cầu rõ ràng là benzen. Benzen là sản phẩm phụ của quá trình đốt than, dầu mỏ. Nó có trong khí thải xe cơ giới và khói thuốc lá. Benzen cũng được tìm thấy trong sơn, vecni gỗ, dung môi, nhựa, keo dán, các sản phẩm làm sạch và chất tẩy rửa, nhựa đường, thuốc trừ sâu, xăng không chì.
Nguy cơ tiếp xúc với benzen tại nơi làm việc hoặc ở nhà khi nâng cấp, sửa chữa nhà. Nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm có nhãn cảnh báo chứa benzen, không có nhãn rõ ràng.
Formaldehyde
Formaldehyde là chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, thường có trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, khả năng phơi nhiễm chất này tại nhà vẫn có thể xảy ra. Do formaldehyde có trong sản phẩm gỗ ép (nhằm chống mối mọt), một số chất làm mát không khí, vải bọc, giấy dán tường.
Sản phẩm gỗ ép thường sử dụng formaldehyden ở mức phù hợp nhưng cũng lưu ý khi tiếp xúc. Ví dụ, đeo bảo hộ khi sản xuất và sử dụng các sản phẩm này.
Radon
Radon là nguyên nhân thường gặp gây ung thư phổi ở Mỹ. Theo nghiên cứu năm 2013 của Trường Đại học George Washington (Mỹ), randon cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
Radon là sản phẩm phân hủy thông thường của uranium, được tìm thấy trong đá, đất bên dưới các ngôi nhà, có ở nhiều nơi trên thế giới. Khí radon không mùi, không màu, cách nhận biết là dùng bộ dụng cụ kiểm tra radon.
Thuốc trừ sâu
Tiếp xúc với thuốc trừ sâu lâu dài cũng là yếu tố nguy cơ. Theo Hiệp hội Huyết học Mỹ, một số nghiên cứu cho thấy trẻ em tiếp xúc với thuốc trừ sâu có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao gấp 7 lần trẻ không tiếp xúc. Các hóa chất khác làm tăng khả năng mắc bệnh này gồm hóa chất diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ, phân bón, dầu gội trị chấy, thuốc diệt bọ chét vật nuôi.
Nên thận trọng khi dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Sản phẩm dành cho thú cưng như thuốc diệt bọ chét cần để xa tầm tay trẻ em. Trồng thêm cây xanh trong nhà có thể cải thiện chất lượng không khí cũng như giảm rủi ro mắc bệnh này.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA), cây trồng hấp thụ tốt các chất gây ung thư trong không khí ở nhà như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa loa kèn. Cây trồng có khả năng loại bỏ formaldehyde như dương xỉ, hoa cúc, cây thường xuân, huyết dụ, thược dược. Nên trồng khoảng 15 cây nhỏ cho khoảng 180 mét vuông không gian sống nhằm giảm các chất gây ung thư.